Home / CHIA SẺ / Phát triển tư duy độc lập của trẻ nhờ quá trình rèn luyện lao động

Phát triển tư duy độc lập của trẻ nhờ quá trình rèn luyện lao động

Dân tộc Do thái nổi tiếng thế giới do có những đóng góp rất lớn vào sự phát triển của khoa học cũng như mọi lĩnh vực trong cuộc sống vì có đến 22% tổng số giải thưởng Nobel thuộc về họ. Người Do thái quan điểm giáo dục trẻ ở nhà cũng như ở trường đều nhất quán là ngoài học kiến thức, những đứa trẻ phải biết yêu lao động bởi nó sẽ rèn luyện kỹ năng sinh tồn và phát triển nhiều tố chất của con người.
Ở Việt Nam thì sao? Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, mỗi gia đình thường có từ 1-2 con và những đứa trẻ thường sẽ được ông bà và ba mẹ chiều chuộng, ít khi phải làm việc nhà. Hiện tượng này không phải ở tất cả các gia đình trẻ nhưng cũng chiếm tỷ lệ khá cao ở xã hội ngày nay. Điều này là tốt hay không tốt?
Trên quan điểm giáo dục, một đứa trẻ từ khi sinh ra cho đến lúc biết cầm nắm, biết đi lại thì chúng luôn có xu hướng muốn khám phá tất cả những gì chúng được nhìn thấy và tiếp xúc. Ở giai đoạn khi đã biết đi thành thục, chúng lại có thiên hướng muốn bắt chước hay mô phỏng lại các hoạt động của người lớn. TS. Maria Montessori từ những năm 30 của thế kỷ trước từng nói “Tạo hóa không chỉ ban tặng cho những đứa trẻ khả năng mô phỏng mà còn cho chúng khả năng thay đổi bản thân để dần trở lên giống với bản mẫu”. Chúng ta thường bắt gặp hình ảnh một đứa trẻ làm đi làm lại một việc gì đó hoặc chơi một trò chơi nào đó hết lần này đến lần khác, đơn giản đó là rèn luyện kỹ năng của đôi tay.
Khoa học cũng chứng minh rằng, trí lực của con người phát triển là nhờ 1 phần rất lớn ở đôi tay. Cầm hoặc nắm là động tác vận động đầu tiên mà trẻ học được. Trước đó, trẻ đã biết hướng sự chú ý vào đôi bàn tay. Năng lực lý giải vô thức giờ đây đã chuyển thành có ý thức. Khi trẻ biết bò, chúng không ngừng có những hành động như đóng mở ngăn kéo, các loại hộp, lôi các thứ trong hộp và tủ ra, rồi lại cất vào. Điều này giúp cho trẻ có khả năng kiểm soát đôi tay mạnh mẽ hơn. Khi bước vào giai đoạn chập chững biết đi, chúng sẽ bám vào bất cứ thứ gì để có thể tiến về phía mục tiêu, lúc này ba mẹ có thể dắt bé. Và cũng rất nhanh chóng, chúng sẽ không cần đến sự trợ giúp của người lớn và có thể bước đi một mình. Đây là một sự phát triển bên trong con người của đứa trẻ. Lúc này chúng đã đạt được mốc phát triển mới, tiếp cận đến cái gọi là sự tự do của con người. Giai đoạn này tương đương với hàng triệu năm tiến hóa của loài người.
Đứa trẻ có thể làm một việc gì đó mà không cần đến bất kỳ sự trợ giúp nào của người lớn chính là một quá trình phát triển của sự độc lập. Nếu cha mẹ và người lớn để trẻ tự làm, trẻ sẽ nhanh chóng phát triển cả về tư duy lẫn tâm lý, ngược lại sẽ làm cản trở và làm chậm lại sự phát triển của trẻ. Chẳng hạn khi chúng đang muốn làm một điều gì đó mà người lớn vì một lý do nào đó (sợ con bẩn, sợ con đau, sợ con bị ướt, v.v ngoại trừ những hành động gây nguy hiểm đến trẻ) thì đứa trẻ sẽ phản ứng khá gay gắt, và nếu chúng ta can thiệp nhiều lần dẫn đến tâm lý đứa trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Hay việc ba mẹ bế ẵm con quá nhiều hoặc hay đặt vào xe tập đi để dễ kiểm soát chúng sẽ khiến chúng có cảm giác tự ti.
Khi trẻ được sử dụng đôi tay nhiều vào các công việc phù hợp với sức lực của mình thì chúng tỏ ra vô cùng thích thú. Vì vậy ba mẹ hãy tạo ra một môi trường phù hợp cho các bạn ấy vận động, thậm chí là lao động ở mức phù hợp với khả năng của con. Dần dần chúng sẽ trở lên linh hoạt và yêu lao động, bởi đó là niềm vui được khám phá và mô phỏng giống như người lớn.
Lao động giúp trẻ rèn luyện khả năng vượt khó (AQ), một trong những tố chất quan trọng để thành công sau này. Khi trẻ tự mình xoay sở để hoàn thành một công việc nào đó cũng chính là tăng khả năng tập trung để giải quyết vấn đề, từ đó mà nâng cao tư duy độc lập và tố chất vượt khó ở trẻ.
Lao động giúp trẻ rèn luyện vận động tinh và vận động thô, theo khoa học não bộ thì hai vận động này sẽ giúp cho não bộ của trẻ cũng sẽ nhờ đó mà phát triển, đặc biệt là vận động tinh. Điều này càng quan trọng đối với giai đoạn 0-6 tuổi vì não bộ phát triển rất nhanh.
Lao động nhẹ nhàng còn giúp trẻ giải tỏa được năng lượng, điều này sẽ giúp chúng ăn ngon miệng hơn và như vậy con sẽ phát triển thể chất lành mạnh.
Ba mẹ hãy tin rằng không có một đứa trẻ nào không yêu lao động cả, chỉ là do chúng ta có ngăn cản chúng trong giai đoạn nhạy cảm với vận động hay không mà thôi.
Lịch sử nhân loại phát triển như ngày nay là do tích lũy của cải từ lao động mà có. Vậy lao động như thế nào là phù hợp và giúp phát triển tư duy độc lập của trẻ?
Ở nhà, ba mẹ hoàn toàn có thể tạo ra những công việc vừa với sức của các con như lau bàn, giặt khăn, tự đánh răng, tự gấp quần áo, hay quét nhà với cây chổi nhỏ, rửa bát, tưới cây, v.v. Ở trường, các thầy cô cũng hoàn toàn có thể thiết kế những giờ lao động cho các bé một cách hợp lý hoặc lồng ghép với các hoạt động khác. Với trẻ, lao động nhẹ giống như một trò chơi vậy.
Tại các trường Montessori, tư duy độc lập ở trẻ được rèn luyện qua rất nhiều phương diện, từ việc thực hành giáo cụ một cách chủ động đến việc thực hành cuộc sống như ép cam, bóc lạc, giã hạt, v.v. các bạn nhỏ cũng thường xuyên được lao động qua các dự án nhỏ. Khi đến lớp, các con sẽ phải tự sắp xếp đồ dùng tư trang của mình vào vị trí có tên của mình. Trước giờ ăn các con sẽ giúp các cô chuẩn bị bữa ăn, xếp hàng và tự lấy đồ ăn của mình, sau khi ăn xong các con sẽ lau bàn ăn, thu dọn ghế của mình, tự rửa bát đĩa của mình. Các con biết tự giặt quần áo của mình. Các con sẽ tự tưới nước chăm sóc các cây xanh nhỏ xinh của lớp. Hàng tuần các con có 1 buổi làm vệ sinh toàn bộ lớp học, v.v. Các ba mẹ biết không, các con vô cùng thích thú những hoạt động lao động nhỏ này đấy ạ.
Và điều quan trọng, nếu các con không được rèn luyện khả năng lao động từ sớm, khi lớn lên do đã quen với việc không phải làm gì ngoài bài vở, lúc đó nếu ba mẹ muốn con lao động thì đã muộn vì các con sẽ không có hứng thú nữa rồi. Nếu một xã hội mà tỷ lệ những đứa trẻ lớn lên không biết yêu lao động cao thì vô tình chúng ta đã tạo ra một thế hệ ăn bám và hệ lụy của nó cho tương lai một dân tộc là không hề nhỏ.
Facebook Comments