Home / Sinh trắc học vân tay / Bài tập tăng cường chỉ số thông minh EQ – Chỉ số thông minh của nhà lãnh đạo

Bài tập tăng cường chỉ số thông minh EQ – Chỉ số thông minh của nhà lãnh đạo

EQ là khả năng đánh giá và điều tiết cảm xúc của bản thân và những người xung quanh. Người có chỉ số EQ cao là người luôn biết tự đánh giá bản thân, biết điểm mạnh điểm yếu của mình và của người khác, có khả năng đồng cảm và thấu hiểu cảm xúc của người khác. Luôn biết cách giữ được bình tĩnh và lạc quan trong cuộc sống hàng ngày ngay cả trong những thử thách khó khăn nhất.

Khi xưa, để đánh giá một con người có tài giỏi và thành công hay không người ta thường dựa vào chỉ số thông minh IQ, nhưng càng ngày, người ta càng cho rằng chỉ số EQ – trí thông minh cảm xúc là chỉ số quan trọng hơn IQ. Người có chỉ số EQ cao sẽ có đủ mọi tố chất để trở thành nhà lãnh đạo. Đó là lý do vì sao chỉ số EQ cao càng ngày càng được đánh giá quan trọng không kém chỉ số thông minh IQ.

🍀 Họ thường nói: “Với IQ người ta tuyển lựa bạn, nhưng với EQ, người ta đề bạt bạn”. Những người thành đạt không phải những người có chỉ số IQ cao nhất mà là những người có chỉ số EQ cao nhất.

🍀 EQ một phần là bẩm sinh nhưng cũng do giáo dục, rèn luyện mà có được. Việc giáo dục tình cảm phải được thực hiện từ khi trẻ còn nhỏ, hệ thần kinh chưa trưởng thành, có nhiều cơ hội tiếp nhận những cảm xúc mới. EQ không đối lập với IQ, mà mục đích của giáo dục là phát triển song song hai chỉ số này. Có những người được thiên phú cả hai, nhưng không ít người lại thiếu cả hai.

Dưới đây là 6 cách giúp các mẹ hướng dẫn con để bé phát triển chỉ số EQ này:

🍭1. Giúp các con hiểu rõ cảm xúc của mình bằng cách bày tỏ thành lời. Ví dụ: “Mẹ ơi, con cảm thấy buồn vì con không đạt được điểm cao…”. Cấu trúc “Mẹ ơi, con cảm thấy… vì…” luôn hữu hiệu để bạn và bé hiểu nhau hơn.

🍭2. Nếu có những hành vi không phù hợp, hãy cùng con hiểu rõ vì sao hành vi đó lại xảy ra. Hiểu nơi nào thì nó có thể xảy ra, hướng con xử lí những tình huống tương tự với cách thích hợp hơn. Nếu tình huống đó không cho phép bạn xử lí ngay thì hãy chờ khi hai mẹ con về nhà.

Ví dụ: Khi bạn đưa trẻ tới chơi ở nhà một người quen. Bạn nhắc trẻ “Con chào bác đi” nhưng trẻ nhất quyết không nghe lời, không chào. Trong tình huống này, là bố mẹ, bạn cảm thấy xấu hổ và thông thường thường cáu lên với con. Tuy nhiên, hãy cho qua lúc đó và đưa trẻ tiếp tục vào chơi trong nhà người quen. Khi trẻ trở về nhà, hãy nói chuyện với trẻ về điều này. Trước hết, tìm hiểu nguyên nhân tại sao lại như vậy. Có thể trẻ không thích vào nhà, trẻ muốn đi chơi, có thể trẻ không thích bác ấy, vì bác ấy có bộ râu thật rậm rạp… Hàng ngàn lí do khiến trẻ cư xử như vậy.

🍭3. Nói chuyện với trẻ thường xuyên. Điều này làm cho hai mẹ con hiểu nhau hơn. Đừng kiệm lời với trẻ con nhất là những lời khen ngợi và khuyến khích trẻ. Khi trẻ lấy cho bạn cái gì đó, hãy nói cảm ơn trẻ khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng.

🍭4. Kèm cặp cảm xúc của trẻ. Hoàn toàn có thể làm được. 
Ví dụ: Khi gặp một người đang đau khổ vì hoàn cảnh của họ hoặc gặp một chuyện buồn như đám hiếu chẳng hạn, hãy dặn trẻ cách bày tỏ sự thông cảm, không nên cười cợt vô tư. Ngày nay, trên đường ta bắt gặp vô vàn những tiếng cười vô duyên của các cô các cậu bé khi gặp những người bị nạn hoặc những tiếng trêu đùa, dè bỉu những cụ già ăn xin, quát nạt thái quá những em bé bán hàng rong… Trẻ có cách cư xử lỗ mãng như vậy một phần do thiếu sự kèm cặp, bảo ban của cha mẹ chúng.

🍭5. Để kiểm soát cơn tức giận, hãy bảo trẻ đếm từ 1-10 và thở sâu, điều này giúp trẻ vượt qua được cảm xúc nóng giận, không dẫn tới những hành vi nông nổi, thiếu kiềm chế. Để làm được điều này thực sự vô cùng khó, ngay cả nhiều người lớn cũng không có kĩ năng này. Dạy trẻ tập dần dần.

🍭6. Không nói dối những gì trẻ nhìn và cảm thấy. Ví dụ khi trẻ hỏi tại sao ba và mẹ cãi nhau thì đừng nói dối hoặc đánh trống lảng mà hãy đối mặt với sự thật, nói với con rằng, cha mẹ đang cố gắng giải quyết các vấn đề và đây chỉ là một cách giải quyết.

EQ giúp cho các bậc cha mẹ đang nuôi dạy con cái có được kĩ năng xã hội tốt hơn. Cha mẹ và những người xung quanh chính là hình mẫu dạy trẻ cách cư xử và giải quyết các tình huống trong cuộc sống như thế nào. Bạn nên kiểm soát hành vi của mình trước mặt con nhất là trong độ tuổi từ 1-7. Luôn khuyến khích con bày tỏ cảm xúc của mình.

Sự thay đổi và trưởng thành trong cảm xúc của trẻ sẽ đến từ từ. Nếu bạn sống trong một thế giới tốt thì con bạn phát triển cũng sẽ tốt lên. Việc phát triển EQ cho trẻ là cách mà bạn góp công xây dựng một xã hội tốt đẹp vì mỗi một cá nhân tốt sẽ làm nên một tập thể tốt.

Facebook Comments